Bài 1: Đá bóng và hát với nhau
TT - Đây là hai trò giải trí thịnh hành của thanh niên nông thôn miền Tây. Nhưng không phải nơi nào cũng có.
Hiếm hoi những cuộc chơi kiểu như thế này - Ảnh: V.T.B.
Cố gắng từ một xã biên giới
Một bãi đất trống rộng hơn một sân bóng đá tiêu chuẩn, cỏ mọc loang lổ, là nơi vui chơi hằng ngày của thanh thiếu niên xã Đa Phước (An Phú, An Giang) - một xã giáp biên giới Campuchia. Đa Phước được xem là xã có nhiều cố gắng duy trì các sân chơi cho giới trẻ ở vùng nông thôn.
Mỗi tuần xã chi ra 200.000đ nước nôi cho anh em tổ chức, rồi bồi dưỡng nhạc công cho các đêm hát với nhau. Sân bóng đá vào mỗi chiều được bao lưới cho các bạn trẻ đá bóng. Phong trào bóng đá mạnh đến mức 11 ấp thì có 11 đội bóng trong một xã có 4.496 thanh niên. Tối cuối tuần, cũng chính tại đây là nơi vui chơi, hát hò. Phong trào hát với nhau đã diễn ra hơn hai năm nay, là niềm vui ở vùng hẻo lánh cách trung tâm thành phố Long Xuyên chừng 60km này.
Phó bí thư đoàn xã Hồ Sĩ Tấn cho biết họ có một dàn trống nhưng không ai biết đánh nên... để đó. Những đêm văn nghệ lớn phải đi thuê người về chơi. May có một bạn trẻ người Chăm là Safay biết chơi organ nên xã duy trì được hát với nhau. “Sao không cử một bạn thanh niên nào đó đi học đàn?”. “Không có tiền để đưa người đi học đâu” - Hồ Sĩ Tấn cho biết. Và xã phải chi tiền thuê nhạc công mỗi buổi hết 50.000-100.000đ. Xã đang tìm mọi cách để có tiền nhằm nuôi phong trào. Mỗi đêm ca nhạc, những người vào đây bán thức uống sẽ góp một ít tiền cho ban tổ chức.
Bóng đá vẫn được xem là sân chơi số một của thanh niên nông thôn - Ảnh: V.T.B.
Bức tranh nghèo màu sắc
Đi qua các tỉnh miền Tây dễ thấy chuyện hát với nhau và đá bóng là lựa chọn dễ nhất cho giới trẻ, và cũng là nơi “bấu víu” của đoàn thể để tổ chức vui chơi giải trí cho thanh niên. Đơn giản thế mà khó khăn trăm bề bởi nhà văn hóa xã không phải nơi nào cũng có. Chưa kể nơi vui chơi, sinh hoạt cho thanh thiếu niên tại tỉnh và huyện còn thiếu rất nhiều.
Hiện tại An Giang có khoảng 50% xã phường có nhà văn hóa nhưng hoạt động nghèo nàn, èo uột. Nguyễn Thanh Tâm, trưởng Ban tư tưởng văn hóa Tỉnh đoàn An Giang, cho biết chỉ tiêu tới năm 2010 thì 100% huyện thị có trung tâm hoạt động thanh thiếu niên. “Việc xây dựng nhà văn hóa thanh niên tỉnh chưa triển khai được do kinh phí. Đề án cụ thể vẫn đang xây dựng”.
Bí thư Huyện đoàn An Phú Đoàn Bình Lâm cho biết huyện có tám xã thì chỉ hai xã có nhà văn hóa, hai nhà văn hóa khác xuống cấp không sử dụng được. Mấy xã chưa có nhà văn hóa thì hoạt động thất thường, có khi làm trong sân trường học. Trong khi đó chỉ vài bước chân là qua biên giới Campuchia, nơi có nhiều sòng bạc, trường gà. “Tôi biết rất nhiều thanh niên qua bên ấy chơi” - Lâm nói.
Phó bí thư Tỉnh đoàn Kiên Giang Lê Hồng Thắm cho biết các hoạt động thể thao văn hóa cho thanh niên chủ yếu là giao lưu bóng đá, bóng chuyền, thi văn nghệ, các sân chơi thanh niên, phối hợp các sở ban ngành thi tìm hiểu kiến thức thuế, môi trường... Ở tỉnh thì tổ chức giải bóng đá HSSV, văn nghệ, nét đẹp HSSV... Mọi việc chuẩn bị cho năm 2009 còn đơn sơ, kế hoạch mới chỉ có liên hoan các nhóm tuyên truyền ca khúc cách mạng, các hoạt động khác sẽ phối hợp với các ban ngành khác. Thanh niên vẫn đang vui chơi ở các quán nhậu, quán cà phê, những tụ điểm hát với nhau do người dân tổ chức.
Chưa có một thống kê đầy đủ, khảo sát chính xác nào về cơ sở và nội dung hoạt động của các nhà văn hóa, trung tâm văn hóa ở các xã, huyện, tỉnh. Ông Ngô Quang Láng - phó giám đốc Sở VH-TT&DL An Giang, cho biết: “Lâu nay tôi thấy việc xây nhà văn hóa xã còn theo phong trào, xây xong không có phương án hoạt động. Sau một thời gian là hỏng bởi chất lượng loa máy thấp vì đầu tư còn ít nên không mua được hàng tốt”.
Theo anh Nguyễn Thanh Tâm: “Loa thì khẹt khẹt, guitar đứt dây, organ đánh không thành tiếng. Nhiều nơi mặt bằng cho thanh niên vui chơi, đá bóng đã bị xã hoặc dân lấy lại. Tại các huyện thị, một số trường đạt chuẩn quốc gia mới có nhà thi đấu cho học sinh”.
Ông Tô Duy Chiêm, giám đốc Trung tâm VHTT tỉnh Kiên Giang, cho biết Kiên Giang có 12/khoảng 130 xã đang xây trung tâm văn hóa. Cả 14 huyện thị nhiều huyện chưa có trung tâm văn hóa hoặc mới chỉ có bộ khung, chưa có cơ sở.
Ông Láng nhận định: “Với thanh niên nông thôn, thể thao (đá bóng) phổ biến hơn. Còn hát với nhau không nhiều, nhiều nơi đã bị biến tướng từ các quán cà phê, quán nhậu hát hò không còn lành mạnh. Bưu điện văn hóa xã lo kinh doanh, văn hóa bị bỏ bê, sợ mất sách báo khóa lại không cho dân đọc”.
Trong khi các hoạt động do địa phương, đoàn thể tổ chức chưa phong phú và thu hút thì giới trẻ tự tìm vui qua cà phê, nhậu nhẹt, game online hay tụ tập trên các trang mạng giờ đã về tới nông thôn. Những môn chơi mới như hip hop, thể thao mạo hiểm cũng đã về tới các tỉnh, huyện, một bộ phận thanh niên nông thôn đã nhanh chóng tiếp cận cuộc sống hiện đại. Nhưng tất cả vẫn còn lẻ tẻ.
THÀNH VINH - QUANG VINH
http://tuoitre.vn/Nhip-song-tre/303089/Thanh-nien-nong-thon-giai-tri-the-nao.html