Hiện nay giáo dục thị hiếu thẩm mỹ đúng đắn cho sinh viên trong hưởng thụ và đánh giá các tác phẩm nghệ thuật đang trở thành vấn đề được quan tâm nhiều hơn trong nhà trường và xã hội.
Sự tiếp cận và giao lưu văn hoá quốc tế rộng rãi đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc hình thành thị hiếu thẩm mỹ nói chung và thị hiếu thưởng thức âm nhạc nói riêng của sinh viên. Thông qua sự tiếp cận này, sinh viên có điều kiện hơn trong việc thưởng thức cái hay, cái đẹp của các nền văn hoá trên thế giới. Từ đó, thị hiếu thẩm mỹ, thị hiếu nghệ thuật của họ được phát triển một cách đa dạng và ngày càng phong phú hơn.
Tuy nhiên, do tác động của khuynh hướng thương mại hoá trong hoạt động văn hoá, văn nghệ cũng đang làm xuất hiện nhiều biểu hiện tiêu cực trong sinh viên, đặc biệt là tầng lớp sinh viên sống ở các thành phố lớn. Đó là “lối sống chạy theo đồng tiền, những thị hiếu không lành mạnh, những hủ tục mê tín tăng nhanh, nhiều văn hoá phẩm độc hại lan tràn trên thị trường... khuynh hướng “thương mại hoá” truyền bá lối sống thực dụng, sa đoạ, bạo lực phát triển”(1). Khi tiếp xúc với sinh viên, chúng ta dễ nhận thấy sự hình thành thị hiếu nghệ thuật ở họ đang có sự đan xen nhiều kiểu, nhiều dạng khác nhau: có thị hiếu tốt, có những thị hiếu không lành mạnh, trái với truyền thống văn hoá dân tộc. Chính những thị hiếu sai lệch đó đã dẫn đến sự suy thoái đạo đức và lối sống trong một bộ phận sinh viên đáng kể ở nước ta hiện nay và làm ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực cho sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.
Để hạn chế những biểu hiện tiêu cực, việc cần làm trước tiên hiện nay là xây dựng cho sinh viên thị hiếu lành mạnh trong thưởng thức nghệ thuật nói chung và thưởng thức âm nhạc nói riêng.
Đã từ lâu, chúng ta hầu như quên mất việc giáo dục cái đẹp theo những giá trị thẩm mỹ phù hợp với từng thời điểm lịch sử và phù hợp với thời đại. Những giá trị thẩm mỹ và tiêu chuẩn của cái đẹp không phải là bất biến mà nó luôn thay đổi. Những gì ở vào thời điểm nhất định nào đó là hay là đẹp thì đến thời kỳ khác có thể không còn là như vậy. Thế nhưng, chúng ta lại chưa kịp thời giáo dục, định hướng cho thế hệ trẻ có thị hiếu thẩm mỹ đúng đắn, trong đó có thị hiếu thưởng thức âm nhạc. Hiện nay nhu cầu thưởng thức âm nhạc đã có sự khác biệt nhiều so với trước kia. Chẳng hạn sinh viên nói riêng và giới trẻ nói chung hiện naỵ thích nhạc trẻ, nhạc nhẹ hơn là nhạc cổ điển và các thể loại âm nhạc dân tộc truyền thống.
Chúng ta có thể lo lắng sinh viên thích “nhạc nhìn” hơn “nhạc nghe”, như có người đã khẳng định, là một tất yếu khách quan. Việc họ không thích thưởng thức các dòng nhạc dân tộc truyền thống như chèo, cải lương, dân ca,... cũng là điều dễ hiểu. Bởi vì, những giá trị truyền thống nếu không hòa nhập một cách tự nhiên cái cốt cách, cái hồn của mình vào thời đại thì nó chỉ có vị trí xứng đáng ở viện bảo tàng mà thôi. Vì vậy, việc giáo dục thị hiếu thẩm mỹ nói chung và thị hiếu thưởng thức âm nhạc nói riêng hiện nay ở nước ta cần chú ý đến những điểm sau:
Thứ nhất, đó là sự tiếp nối giữa các thế hệ người sáng tác, phê bình và công chúng thưởng thức âm nhạc không theo kịp sự biến đổi quá nhanh của xã hội đã tạo ra sự hẫng hụt giữa các thế hệ. Vì thế đã xảy ra tình trạng những giá trị thẩm mỹ mà thế hệ trước có được thông qua giáo dục và sáng tác các ca khúc kiệt tác đưa đến cho công chúng lại làm rung động rất ít các con tim và ít thuyết phục đối với khối óc của các thế hệ trẻ hiện nay. Chính vì không nhận thức được điều này mà chúng ta đã để tình trạng đó muốn sửa đổi lại gặp muôn vàn khó khăn.
Thứ hai, vấn đề định hướng thị hiếu thưởng thức âm nhạc. Từ trước đến nay, ở nước ta luôn tồn tại tình trạng việc giáo dục thị hiếu thẩm mỹ kiểu áp đặt, hoặc bê từ bên ngoài vào.Những người có trách nhiệm trong lĩnh vực này thường đưa ra những yêu cầu, quy định cứng nhắc mà không thấy cốt lõi để giáo dục thị hiếu thẩm mỹ cho công chúng, chính là sử dụng các hình tượng nghệ thuật. Chỉ có thông qua các hình tượng nghệ thuật người thưởng thức mới cảm nhận được cái hay, cái đẹp bằng cả trái tim, khối óc của mình và qua đó hình thành nên thị hiếu lành mạnh trong thưởng thức nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng. Trên cơ sở đó họ mới chủ động lựa chọn cho mình tác phẩm nghệ thuật nào, ca khúc nào đáng thưởng thức; sẽ không chạy theo thị hiếu tầm thường của một số thanh niên cố thể hiện “tính thời thượng” của mình.
Sinh viên ở nước ta vốn đa số xuất thân từ nông thôn thiếu điều kiện thưởng thức âm nhạc, khi vào trường họ có nhiều điều kiện hơn để tiếp xúc với nền nghệ thuật hiện đại. Giữa sự phong phú, đa dạng, nhiều hình vẻ của các loại hình nghệ thuật và âm nhạc tất nhiên họ sẽ có nhiều lúng túng trong việc định hướng sự thưởng thức của mình. Vì vậy việc chủ động định hướng thị hiếu thưởng thức nghệ thuật cho họ ở giai đoạn này là cực kỳ cần thiết.
Chính đây cũng là thời điểm thuận lợi cho việc định hướng thị hiếu thưởng thức nghệ thuật cho sinh viên. Tuy nhiên, trên thực tế, chúng ta đã không chú ý, hoặc đã bỏ qua thời điểm thuận lợi này. Vì thế mà họ dễ “a dua”, “theo đòi” một số nhóm nào đó trong việc thưởng thức nghệ thuật có xu hướng “tự do”. Như vậy từ điều kiện thuận lợi nếu không biết tận dụng sẽ trở thành khó khăn hơn trong việc định hướng thị hiếu thưởng thức âm nhạc cho sinh viên.
Một vấn đề cũng cần được quan tâm là nguồn tài chính cho nhu cầu thưởng thức nghệ thuật trong sinh viên là cực kỳ hạn chế. Chính vì hạn chế này mà đa số sinh viên không thể đến được với những buổi biểu diễn âm nhạc có tính nghệ thuật và thẩm mỹ cao. Đa số sinh viên hiện nay chỉ được thưởng thức âm nhạc ở các tụ điểm ngoài trời với giá vé vào cửa rất rẻ, hoặc miễn phí, với chất lượng biểu diễn không cao. Tuy họ còn có thể đến với âm nhạc qua truyền hình và Internet, nhưng thời gian dành cho việc này lại không được nhiều do quỹ thời gian của sinh viên luôn hạn hẹp. Hơn nữa trên các phương tiện này lại có nhiều chương trình hấp dẫn họ hơn.
Thứ ba, giáo dục thị hiếu thưởng thức nghệ thuật thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng. Các phương tiện truyền thông đại chúng như truyền hình, sách báo, phim ảnh của ta luôn cố gắng thể hiện chức năng này của mình. Nhưng tiếc rằng hiệu quả không được cao, nhất là việc giáo dục thị hiếu thưởng thức các thể loại âm nhạc dân tộc truyền thống. Nếu ta theo dõi thường xuyên các chương trình trên truyền hình trong những năm gần đây, có thể dễ nhận thấy các thể loại âm nhạc như hát chèo, cải lương, dân ca... thường chỉ được phát sóng khi nhân một dịp kỷ niệm nào đó. Thậm chí ngay cả các ca khúc cách mạng vốn đã in sâu vào tâm thức của các thế hệ trước cũng chịu chung số phận như vậy.
Thực ra có điều trớ trêu là dù thời lượng phát sóng cho các thể loại trên có tăng đi chăng nữa thì thế hệ trẻ cũng vẫn ít thưởng thức. Nguyên nhân chính như đã nêu ở trên chính là âm nhạc dân tộc truyền thống ít được hiện đại hóa theo hướng giữ cái cốt cách, cái hồn giá trị của mình. Mọi người đều nhất trí cần phải đổi mới âm nhạc truyền thống, làm cho âm nhạc dân tộc truyền thống đến được với công chúng, nhất là giới trẻ. Nhưng đổi mới như thế nào thì lại không có sự nhất trí: hoặc là đổi mới hình thức biểu diễn, hoặc là hiện đại hóa nội dung cho phù hợp với xã hội mới,... Trên thực tế đã có khá nhiều tìm tòi theo hướng đổi mới và đã được thể hiện. Thành công có và thất bại cũng có, nhưng đều chưa thể hiện được tính tất yếu của sự phát triển. Tức là sự thay đổi theo lôgíc phát triển nội tại của mỗi một thể loại âm nhạc dân tộc truyền thống.
Thứ tư, vấn đề về tổ chức biểu diễn. Đây là vấn đề liên quan rất nhiều đến việc đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật cho các chương trình biểu diễn. Muốn giới trẻ nói chung và sinh viên nói riêng đến được với cái hay, cái đẹp của nghệ thuật, ca nhạc thì phương thức thể hiện nó cũng cần phải vừa mang tính hiện đại, vừa có tính nghệ thuật cao. Nói cách khác, nội dung biểu diễn phải phù hợp với phương thức thể hiện nó. Ca khúc dù có hay về tiết tấu hay ca từ, người biểu diễn dù có tài nhưng vẫn sẽ khó đạt hiệu quả cao khi môi trường biểu diễn, phương tiện kỹ thuật phục vụ cho biểu diễn (âm thanh, ánh sáng, sân khấu, cách tổ chức,...) không có sự phù hợp và đáp ứng được yêu cầu nghệ thuật. Gần đây, khi thực hiện xã hội hóa các hoạt động biểu diễn, đã có nhiều tổ chức tư nhân đầu tư thích đáng cho phương tiện kỹ thuật biểu diễn. Tuy nhiên, đối tượng phục vụ của họ lại thường là những người có thu nhập cao, còn sinh viên vẫn là đối tượng ở ngoài cuộc.
Từ những phân tích trên, chúng ta thấy việc giáo dục, định hướng thị hiếu thưởng thức âm nhạc cho sinh viên hiện nay phải vừa mang tính trước mắt, phải vừa thể hiện tính phát triển lâu dài. Chỉ có trên cơ sở tạo cho sinh viên có được thị hiếu thưởng thức âm nhạc đúng, lành mạnh đáp ứng được yêu cầu xây dựng xã hội mới ở nước ta trong giai đoạn hiện nay thì mới có cái để nâng cao và phát triển. Tuy nhiên, ở đây còn có những yếu tố quan trọng khác chưa bàn đến như chất lượng sáng tác và phê bình. Đây là hai vấn đề giữ vai trò rất quan trọng trong việc giáo dục thị hiếu thẩm mỹ nói chung và thị hiếu thưởng thức âm nhạc nói riêng cho sinh viên. Những yếu tố này đã được nhiều người bàn đến và đều theo hướng cho rằng, chúng chưa đáp ứng được nhu cầu thị hiếu thẩm mỹ của công chúng, chưa thể hiện được vai trò định hướng thị hiếu thưởng thức nghệ thuật cho công chúng nói chung và sinh viên nói riêng. Trên khía cạnh này có thể thấy, cảm xúc của người sáng tác chưa cảm nhận hết được hơi thở của của thời kỳ mới, chưa hòa đồng được với với đa số giới trẻ hiện nay. Đó là chúng ta chưa bàn đến tài năng và cống hiến của họ.
Việc giáo dục, định hướng thị hiếu thưởng thức âm nhạc cho sinh viên hiện nay là quan trọng và cần thiết. Nhưng để thực hiện tốt công việc này, chúng ta cần phải quán triệt quan điểm đồng bộ, toàn diện và đặc biệt là phải mang tính sáng tạo. Phải lấy môi trường xã hội làm cơ sở, lấy giới trẻ là đối tượng hướng đến. Với sinh viên, cái cần bao trùm lên toàn bộ những vấn đề trên là việc toàn xã hội phải quan tâm làm sao để hình thành được lối sống đẹp, có văn hóa cho họ. Lấy lối sống đẹp làm chủ đích thì mọi họat động nhằm nâng cao thị hiếu thưởng thức âm nhạc trong sinh viên phải hướng tới đó. Phải coi việc giáo dục và định hướng thị hiếu thưởng thức âm nhạc như một trong những yếu tố không thể thiếu được đối với hình thành lối sống đẹp cho sinh viên ở nước ta hiện nay./.
————————
(1) Về lãnh đạo, quản lý văn học nghệ thuật trong công cuộc đổi mới, Nxb CTQG, H, 2001, tr.48.
Th.S Bùi Thục Anh
Vụ Văn hóa-Văn nghệ
Nguồn:
http://tuyengiao.vn/Home/MagazineStory.aspx?mid=41&mzid=296&ID=821