Language:
Phân hóa giàu nghèo trên thế giới - Không nên tách biệt không gian sống giàu nghèo
By xahoihoc November 10, 2010

Hàng năm, vào ngày 17.10, thế giới tổ chức kỷ niệm Ngày quốc tế Xóa đói giảm nghèo, để cùng nhau quan tâm tới 2 tỉ người vẫn đang sống trong cảnh đói nghèo. Tình trạng đói nghèo diễn ra trong mọi xã hội, kể cả ở những nước giàu nhất thế giới, nơi vẫn còn hơn 100 triệu người có mức thu nhập dưới mức nghèo khó. Nhờ thực hiện tiến trình đổi mới, chất lượng cuộc sống toàn diện của người dân tại nhiều nước đang phát triển đã được nâng cao rõ rệt và mức độ đói nghèo nói chung đã giảm tương đối nhiều. Đói nghèo có thể được định nghĩa là tình trạng thiếu khả năng và điều kiện tham gia vào cuộc sống của quốc gia nói chung, đặc biệt về lĩnh vực kinh tế. ...

Những kẻ chiến thắng và những người thua cuộc

 

Ở nhiều quốc gia, quá trình cổ phần hóa, tư nhân hóa được nhà nước phê chuẩn đã nhiều lần đẩy nhanh các tài sản có giá trị của nhà nước vào tay những cá nhân có mối quan hệ tốt với chính quyền, cho phép họ có được những nguồn của cải lớn rất nhanh chóng. Sau những năm tăng trưởng nhanh trước suy thoái, chiếc bánh kinh tế toàn cầu đã nở phồng đến mức chưa từng thấy, nhưng đáng buồn là người giàu đang ăn hầu hết những lát bánh này. Họ dùng cả quyền lực để bảo đảm hưởng phần béo bở nhất và chỉ nhường phần rơi vãi cho các gia đình nghèo. Sự bất bình đẳng về thu nhập đang không ngừng tăng tại cả các nước đã và đang phát triển. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), tổng số người nghèo ở châu Á hiện khoảng 1,9 tỉ người, trong khi số những người giàu có tài sản trên 1 triệu USD (không tính đến dinh thự chính của họ) đã tăng 8,3% trong năm 2006, đạt 9,5 triệu người. Theo bản báo cáo về sự giàu có trên thế giới, số người có tài sản ít nhất là 1 triệu USD ở Ấn Độ đã tăng 20,5% trong năm 2006, lên tới 100.015 người. Một nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho thấy sự phân chia giàu - nghèo ở Trung Quốc đã tương tự như khu vực Mỹ La tinh. Danh sách các tỉ phú trên thế giới đang được điền thêm tên các nhân vật trùm tư bản về tài nguyên. Các chính sách tư nhân hóa rót các nguồn tài nguyên công cộng vào tay tư nhân và việc thiếu sự bảo vệ cơ bản cho tầng lớp lao động đã làm nghiêng cán cân theo hướng có lợi hơn cho những người giàu ở các thị trường mới nổi lên như Nga và Trung Quốc. Sự chênh lệch về mức thu nhập đang ngày càng tăng trên phạm vi toàn thế giới, những chênh lệch này lại ít hơn nhiều ở Ấn Độ (do những chính sách bảo hộ buôn bán kéo dài) và ở Đức (do quỹ phúc lợi xã hội lớn) so với ở Mỹ và TQ. Trong hơn một thập niên qua, sự hội nhập của Trung Quốc và Ấn Độ vào hệ thống thương mại toàn cầu đã bổ sung thêm hai tỉ công nhân vào lực lượng lao động trên toàn thế giới, vì vậy nó gây sức ép làm giảm đồng lương thực tế mà người lao động được hưởng. Trong thề giới toàn cầu hóa, các khoản tiền lãi đổ dồn về những người có tay nghề và học thức đã tăng lên. Nhiều người thành công trên sân khấu toàn cầu mới đã nhận được phần thưởng chưa từng thấy. Zhang Yin, sáng lập Nine Dragons Paper vào năm 1995 đã trở thành người phụ nữ giàu có nhất Trung Quốc trong thời gian chưa đầy 12 năm. Reliance Industries, tổ hợp hóa dầu lớn của Ấn Độ do Mukesh Ambani điều hành hiện có một kho tiền mặt trị giá 28 tỉ USD. Sự gia tăng nhiều của cải ở những nước vẫn còn nghèo cho thấy điều mà nhà kinh tế Robert Frank gọi là “xã hội thuộc về những kẻ thắng” đã trở thành hiện tượng phổ cập do tác động của xu hướng toàn cầu hóa. Do xu hướng tham nhũng tràn lan, tài nguyên thiên nhiên ở Nga bị tư nhân hóa và những nhóm nhỏ có quan hệ chính trị tốt đã thu tóm được những khoản tiền lãi kếch xù. Tại Trung Quốc, việc chuyển nhượng đất đai và các tài sản khác (bắt đầu trong những năm 1980 và tăng mạnh trong thập niên 1990) dẫn đến kết quả là một số người có cổ phần lớn trong các công ty chủ chốt. Tại Mexico, tỉ phú Carlos Slim đã tích cóp được một gia tài khổng lồ, phần lớn nhờ sự bảo hộ của chính phủ đối với vị thế độc quyền của Tập đoàn viễn thông Telmex do ông ta làm chủ.

 


Biếm họa về cách biệt giàu, nghèo ở Trung Quốc

Đi tìm nguyên nhân

Hiện nay, cuộc khủng hoảng tài chính đang diễn ra trên thế giới đã làm cho nhiều người giàu nghèo đi và người nghèo càng nghèo hơn nữa. Cuộc khủng hoảng khiến cho kim ngạch xuất khẩu và nguồn vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) vào nhiều nước bị giảm sút. Hậu quả là cơ hội về việc làm, thu nhập thực tế và sức tiêu thụ cũng sẽ giảm đi. Theo ADB, lý do chính dẫn tới sự gia tăng về khoảng cách giàu nghèo trong những năm gần đây là sự không nhất quán trong đầu tư giữa khu vực thành thị và nông thôn, người dân ở thành phố được đào tạo tốt hơn và đời sống của họ cũng khấm khá hơn. Việc phát triển cơ sở hạ tầng ở nông thôn bị hạn chế bởi chính sách cản trở đầu tư tư nhân. Dù mức nghèo cơ bản đã giảm khi các nền kinh tế châu Á phát triển, nhưng khi mức sống của người giàu trong xã hội tăng nhanh thì người nghèo lại càng tụt hậu. Trong cuốn sách The Elusive Quest for Growth, William Easterly tự hỏi: Tại sao trái đất của chúng ta vẫn còn quá nhiều người chết đói mỗi ngày? Theo Cơ quan Lương Nông LHQ (FAO), trên thế giới hiện có trên 800 triệu người không có đủ lương thực để ăn. Những người này tập trung chủ yếu tại những nước đang phát triển, trong đó, Ấn Độ và Trung Quốc chiếm một nửa. Tại sao lại như vậy? Tại sao vào thời điểm, chúng ta có thể chia nhỏ nguyên tử, đặt chân lên mặt trăng và giải mã bộ gen người, vẫn có 2,8 tỉ người (khoảng một nửa dân số thế giới) phải sống nhờ vào khoản thu nhập chưa đến 2 USD/ngày?


Phân tích điều kiện sống của những công nhân có mức thu nhập thấp nhất, người ta ước tính tiền lương trung bình của các công nhân đô thị là 160 USD/tháng và tăng khoảng 9-10%/ năm. Trên khắp thế giới, nguồn vốn vẫn dồi dào mà lực lượng lao động thì chỗ thiếu chỗ yếu. Các nền kinh tế đang phát triển không có hệ thống công đoàn đầy quyền lực, mà chỉ có một vài luật bảo vệ an toàn cho người lao động. Ngay cả ở những nước ca ngợi chủ nghĩa quân bình và phúc lợi xã hội, các mạng lưới bảo đảm an toàn lao động cũng đang trở nên căng thẳng. Tại Nhật Bản, số người xin được hưởng trợ cấp phúc lợi xã hội đã lên tới mức cao kỷ lục. Hiện nay, 1/3 số công nhân Nhật, hầu hết họ là thanh niên, làm việc theo những hợp đồng thời vụ nên hưởng phúc lợi hoặc tiền trợ cấp ít. Tại Đức, sau đợt cải cách lao động cắt giảm khoản trợ cấp dành cho những người thất nghiệp lâu năm, các điểm phát bữa ăn từ thiện lại tái hiện. Hệ quả là tại nhiều nước, người nghèo đã có phản ứng tiêu cực. Ở Mỹ La tinh, trong những năm gần đây, Cử tri đã quay sang bỏ phiếu cho những người theo tư tưởng dân túy và cánh tả. Tại Mỹ, làn sóng phản đối thương mại tự do đang tăng lên. Những tranh chấp về đất đai, đền bù và ô nhiễm công nghiệp ngày càng nhiều. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết, sự bất bình đẳng ở Trung Quốc tăng mạnh ở hơn bất cứ quốc gia châu Á nào khác, trừ Nepal. Mới đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) lưu ý rằng, thương mại tự do đã làm giảm bớt khoảng cách giàu - nghèo ở cấp độ toàn cầu, nhưng dòng tiền tệ đầu tư toàn cầu không bị hạn chế đã làm tăng xu hướng bất bình đẳng giàu - nghèo vì nó tạo nhiều cơ may cho những cá nhân đầu tư rộng ra thị trường thế giới, đẩy mạnh nhịp độ đổi mới công nghệ nhưng hậu quả là công nhân bị trả lương thấp đi.


Bài toán xóa cách biệt giàu nghèo

Có thể tăng tốc độ thực hiện xóa đói giảm nghèo bằng những nỗ lực to lớn hơn nữa nhằm giảm mức độ cách biệt của người dân, tăng phạm vi lựa chọn và khả năng tiếp cận với các nguồn lực hiện có, kiểm soát tốt hơn các rủi ro, đảm bảo môi trường bền vững cũng như bảo đảm sự tham gia rộng rãi hơn của dân chúng trong quá trình lập kế hoạch và ra quyết định. Việc mở rộng sự lựa chọn trong lĩnh vực phát triển con người là một chiến lược quan trọng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo. Người nghèo cần phải có nhiều cơ hội hơn trong việc lựa chọn nghề nghiệp cũng như lối sống. Con đường ngắn nhất để đạt được mục tiêu xóa đói giảm nghèo ở nông thôn là tạo ra một môi trường thuận lợi hơn để nông dân có thể sử dụng hiệu quả hơn những nguồn lực sẵn có, tăng khả năng tiếp cận với nguồn lực mới và được hưởng thụ một cách hợp lý và công bằng các dịch vụ xã hội cơ bản. Nếu làm được như vậy thì người nghèo có thể tự giúp mình thoát khỏi nghèo đói. Một phần quan trọng trong cuộc đấu tranh chống nghèo đói là xóa đói giảm nghèo cho phụ nữ, vì đói nghèo tác động tới phụ nữ và trẻ em nhiều hơn nam giới. Phụ nữ có ít cơ hội lựa chọn hơn vì bị hạn chế bởi bổn phận đối với xã hội và gia đình, bởi các giá trị và quan niệm truyền thống về giới tính và phụ nữ bị đặt ở địa vị thấp hơn nam giới, thậm chí bị lạm dụng. Xóa nghèo ở nữ giới là mở rộng điều kiện lựa chọn về nghề nghiệp, việc làm và giáo dục, cũng như quyền sử dụng đất đai và khả năng vay vốn. Vấn đề bình đẳng giới cũng phải được đưa vào chiến lược xóa đói giảm nghèo của mỗi nước.


Sáng kiến 20:20 tại Hội nghị Thượng đỉnh thế giới về Phát triển xã hội là một chiến lược rất có ý nghĩa cho công cuộc xóa đói giảm nghèo, đặt trọng tâm vào các dịch vụ xã hội cơ bản. Theo đó, trung bình 20% các khoản chi ngân sách của chính phủ và 20% quỹ viện trợ ODA phải được đầu tư cho các dịch vụ xã hội cơ bản. Đó là giáo dục (nhà trẻ, mẫu giáo, tiểu học và xóa mù chữ cho người lớn), y tế (chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng bệnh, sức khỏe công cộng và dinh dưỡng), kế hoạch hóa gia đình, cung cấp nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn và cứu trợ thiên tai. Đối tượng phục vụ trực tiếp của sáng kiến 20:20 là người nghèo. Ở những nước đang phát triển, một bộ phận khá lớn dân cư, đa phần là phụ nữ và trẻ em, hiện có cuộc sống chỉ trên mức nghèo khổ một chút, dễ dàng tái nghèo chỉ sau một cú sốc nhỏ. Nói chung, xóa đói giảm nghèo nông thôn phải mang tính bền vững, bảo đảm dài hạn an ninh lương thực, sức khỏe sinh sản, dinh dưỡng, cung cấp nước sạch, quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng, cung cấp quỹ tín dụng quy mô nhỏ, giáo dục, công nghiệp hóa nông thôn và các lĩnh vực khác.

Không nên tách biệt không gian sống giàu nghèo


Tại Việt Nam, sự hình thành và mở rộng của những khu đô thị mới như Nam Sài Gòn tại TP.HCM hay Ciputra, Manor ở Hà Nội, theo Michael Waibel, một chuyên viên qui hoạch đô thị của Đức là chủ yếu phục vụ nhu cầu của những người hưởng lợi từ quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, tức các “nhà giàu mới”, thích sống kiểu phương Tây, coi trọng sự an ninh, trật tự và thoải mái của khu vực họ sống. Tại đây, họ có mọi dịch vụ mình muốn, từ bệnh viện tốt nhất đến các cửa hàng bán lẻ cao cấp. Sự tách riêng khu dân cư của người giàu và bình đẳng về nhà ở là kết quả phân cấp xã hội tăng nhanh tại các đô thị VN. Học giả Đức Claas Dornte nhận xét: “Những khu đô thị mới giá rất cao chỉ dành riêng cho những người chiến thắng trong quá trình đổi mới kinh tế, những người đặt ra các xu hướng mới, tạo ra ranh giới ngăn cách trong xã hội và cả không gian đô thị”. Giống như nhiều thành phố khác tại Đông Nam Á, sự phát triển đô thị ở VN cũng đi theo chiều hướng phân cách rõ rệt, cả về mặt vật lý lẫn xã hội. Người giàu thích chuyển đến sống trong những khu đô thị hiện đại, trong khi người nghèo cảm thấy ngại ngùng khi bước qua ranh giới ngăn cách. Nhưng không thể phủ nhận sự hình thành và phát triển của tầng lớp trung lưu là một dấu hiệu lành mạnh và đáng mừng trong sự phát triển chung của xã hội. Tại VN, gần 50% số người trung lưu thành thị sử dụng điện thoại di động và 35% có tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, Waibel tin rằng có những giải pháp giúp giảm sự mất cân bằng trong các không gian đô thị, như chính sách nhà ở cho người có thu nhập thấp, trong đó, chính phủ sẽ giữ vai trò chủ lực và huy động khu vực tư nhân cùng tham gia cung cấp nhà ở, nhà cho thuê cho người có thu nhập thấp với chính sách ưu đãi hoặc miễn thuế, như Ấn Độ đã từng làm thành công. Chính sách phát triển nhà ở và đô thị nên tìm cách đưa người nghèo vào những cộng đồng bao quanh các khu đô thị mới hơn là phân hóa họ. Muốn vậy, phải có hệ thống tín dụng dựa vào cộng đồng, giúp người nghèo mua nhà và cải thiện thu nhập. Sự kề cận của khu dân cư nghèo, thu nhập trung bình với khu vực dân cư giàu có hơn sẽ đem lại lợi ích cho cả hai phía. Người giàu hưởng lợi từ sự có sẵn lao động rẻ, còn người nghèo dễ dàng tìm việc bằng việc cung cấp dịch vụ cho người giàu. Phương cách này sẽ giúp rất nhiều trong việc tăng cường ổn định xã hội. Theo lý thuyết, thuế lũy tiến và các chính sách phúc lợi xã hội có thể giảm nhẹ bất bình đẳng giàu nghèo và đóng vai trò như những thiết bị giảm sốc. Nhưng trong vài năm trở lại đây, cơ cấu thuế đã trở nên ít công bằng hơn, chi phí công cộng còn ít công bằng hơn nữa.

LÊ TÂY SƠN
(Theo Local Income Equality Helps Reduce International Inequality, Beingism 22.8 và The Economics)

Nguồn: http://www.baoanhdatmui.vn/vcms/html/news_detail.php?nid=9922
To comment or make friends with this person, you need to Log in or Sign up