Language:
Trẻ em thành phố thiếu sân chơi
By Xa hoi hoc van hoa January 15, 2013

Mùa hè đến, lại một câu hỏi đặt ra: Trẻ em sẽ vui chơi ở đâu? Không có sân chơi dành cho trẻ em hiện đang là vấn đề tồn tại, nhất là ở các thành phố đông dân, trong đó có Hải Phòng. Hiện tượng trẻ thiếu kỹ năng sống, trẻ bị tai nạn, các quán game chật ních trẻ trong những ngày cuối tuần, ngày lễ, hay tình trạng nghiện game của học sinh… xuất phát từ một trong những nguyên nhân là tình trạng thiếu sân chơi cho trẻ.

Vườn hoa Kim Đồng là điểm đến của nhiều trẻ em

Trẻ em “khát” sân chơi đến bao giờ?

Vườn hoa Kim Đồng, nằm giữa trung tâm thành phố, là nơi quy tụ vui chơi dành cho trẻ em, dấu ấn tốt đẹp và tự hào của bao thế hệ trẻ thơ Hải Phòng. Tuy nhiên, phần lớn các trò chơi cũng như thiết bị ở đây đều cũ kỹ, đơn điệu, không được đầu tư đúng mức. Tại vườn hoa này, điều chúng tôi cảm nhận là: Choáng ngợp trong vườn hoa là các trò chơi thu tiền, các hàng rong ăn uống, quán bia, các hàng bày bán đồ chơi Trung Quốc, cả những người ăn xin… ngồi la liệt, vô tội vạ. Các loài thú từ bình thường cho đến quý hiếm trưng bày ở vườn hoa Kim Đồng hầu như không có.

Đó là một trong những nguyên nhân vì sao trẻ em ngày nay nhiều em không biết phân biệt các con thú. Đánh giá khách quan thì có thể khẳng định, đây cũng không phải địa điểm hoàn toàn dành cho trẻ em, bởi nó đã bị lạm dụng, biến hóa thành quá nhiều mục đích khác nhau. Tương tự, tại các trường mẫu giáo hay tại các khu tập thể, len lỏi trong cụm dân cư diện tích và quy mô của khu vui chơi nghèo nàn, xuống cấp.

Tại Cung Văn hóa Thiếu nhi Hải Phòng, nơi vốn được xem là chiếc nôi đào tạo năng khiếu cho thiếu nhi phố Cảng, với diện tích sân chơi khá rộng, nhưng việc lắp đặt các trò chơi hiện đại, trò chơi lớn còn hạn chế, trong khi nhu cầu vui chơi của trẻ em đến đây tăng rất mạnh trong mỗi dịp hè. KTS Bão Vũ (Hội Kiến trúc sư Hải Phòng)- tác giả đồ án khu nhà 2 tầng cũ cách đây gần 30 năm và đồ án tòa nhà trung tâm rạp hát thiếu nhi hiện nay, chia sẻ: “Cung văn hóa thiếu nhi giống như viên ngọc với những tia sáng lấp lánh, giống như sự đẹp đẽ của tuổi thơ mà ai cũng chỉ có một lần”. Nhưng tiếc rằng nhiều năm qua Cung văn hóa thiếu nhi chưa phát huy được hết tiềm năng của mình, mặc dù mỗi năm ước có hơn 50.000 lượt người tham gia hoạt động vui chơi giải trí và khoảng hơn 13.000 lượt học sinh tham gia các lớp học tại Cung.

Theo giải thích của ông Lê Như Hải, Giám đốc Cung văn hóa thiếu nhi thành phố, Cung đã tận dụng tối đa cơ sở vật chất, huy động thêm giáo viên, cộng tác viên, tăng ca học cả buổi tối cho các bộ môn, nhưng vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu sinh hoạt hè, vui chơi, giải trí cho các cháu. Tuy nhiên, phải thẳng thắn thừa nhận rằng, nhiều năm qua mặt bằng cơ sở vật chất của Cung còn bị sử dụng sai mục đích, lãng phí không nhỏ. Đó là trách nhiệm của Cung và đơn vị chủ quản đã được thành phố nhiều lần nhắc nhở.

Trong khi các điểm vui chơi lớn vừa thiếu, vừa yếu, thì điểm vui chơi nhỏ lẻ cho trẻ em ở các khu dân cư lại càng khan hiếm. Các khu dân cư của Hải Phòng không có cả khu sinh hoạt công cộng, thì sân chơi cho trẻ em lại càng là một điều không tưởng. Điển hình như Khu chung cư Cát Bi, Hải An, là khu chung cư mới, đông dân, có sân rộng, nhưng đã bị biến thành bãi để ô tô, xe máy, không có chỗ dành làm sân chơi cho trẻ em, mặc dù nơi đây tập trung hầu hết các gia đình trẻ, nhiều trẻ em.

Tương tự, hàng loạt các sân chơi công cộng trong khu tập thể như; Đồng Quốc Bình, Đồng Tâm, Thái Phiên, Vạn Mỹ... cùng nhiều nơi khác ở Hải Phòng cũng trong tình trạng bị chiếm dụng để kinh doanh, kéo dài đã nhiều năm. Tình trạng đó không chỉ xảy ra ở các khu dân cư đông của thành phố, mà cả các vùng ngoại thành, ven đô, nơi có quỹ đất công dồi dào, thì trẻ em vẫn thiếu chỗ chơi. Một phần do quá trình đô thị hoá đang nuốt dần những diện tích lớn, nhưng quan trọng hơn cả là sân chơi cho trẻ em Hải Phòng dường như chưa được quan tâm đầu tư đúng mức.

Chia sẻ điều này, chị Nguyễn Thị Thu Hiền, Trưởng ban thiếu nhi trường học, thành đoàn Hải Phòng bộc bạch: Thành đoàn Hải Phòng rất quan tâm, trăn trở và mong muốn các em thiếu nhi có một sân chơi riêng, luôn muốn tạo ra các chương trình, hoạt động cho thiếu nhi… Nhưng khắc phục tình trạng thiếu sân chơi là cả một quá trình và cần nhiều nhân tố tác động. Đây là vấn đề chung của toàn xã hội, cần cả xã hội vào cuộc. Hiện nay, một số quận còn chưa có cả nhà văn hóa thì việc khát sân chơi là hệ quả tất yếu.

Cần quy hoạch mạng lưới vui chơi cho trẻ em

Cần phải khẳng định ngay rằng, trách nhiệm lo chỗ vui chơi cho trẻ em là của người lớn, trước tiên là của những cơ quan đơn vị được nhà nước giao trách nhiệm làm công tác chăm sóc, giáo dục trẻ em.

Có một thực tế rất buồn lòng: Điểm vui chơi của trẻ em ở ven đô, nội thành hầu hết chỉ là tiện đâu chơi đó, trẻ tự nghĩ ra cách chơi. Trẻ không có cơ hội được tiếp cận với bể bơi, nên hễ đâu có nước là chúng bơi. Đó là nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn thương tâm do đuối nước vẫn thường xảy ra vào dịp nghỉ hè. Theo thống kê mới đây của 63 tỉnh thành, số trẻ em bị chết đuối hàng năm chiếm khoảng 50% tai nạn thương tích…

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: Mục tiêu đưa ra trong Dự thảo Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2011-2020 là: Quy hoạch mạng lưới các trung tâm vui chơi, giải trí, các Nhà thiếu nhi cấp tỉnh và cấp huyện, điểm vui chơi giải trí cấp xã hoặc liên xã dành cho trẻ em. Nghiên cứu ban hành chính sách bắt buộc các khu đô thị, các trung tâm thương mại phải có khu vực vui chơi, giải trí dành cho trẻ em. Chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng cơ sở văn hoá, vui chơi, giải trí, thể dục, thể thao dành cho trẻ em. Chính sách khuyến khích sáng tác văn học, nghệ thuật, phát triển thông tin, phát thanh, truyền hình, xuất bản, báo chí cho trẻ em.

Được biết, mới đây thành phố đã phê duyệt Dự án điều chỉnh quy hoạch tổng thể Cung văn hóa thiếu nhi thành phố, với nhiều hạng mục lớn trên mặt bằng hơn 4,5 ha như: Vườn cổ tích, bể bơi bốn mùa, 2 sân bóng đá mi ni có mái che, 4 sân bóng bàn, cầu lông, khu vui chơi giải trí trong nhà, giải trí ngoài trời, phòng học năng khiếu… Đặc biệt, tại đây sẽ xây tòa nhà 6 tầng bố trí các phòng học chức năng, phòng chiếu phim và rạp hát thiếu nhi 700 chỗ ngồi diện tích mặt bằng 2.000m2 sẽ khánh thành vào đúng dịp kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Nhà văn hóa thiếu nhi thành phố (16-9-1972 * 16-9-2012).

Hy vọng, công trình sớm được hoàn thành, mang đến cho trẻ em thành phố một điểm vui chơi lành mạnh, hiện đại, góp phần giải “cơn khát” thiếu sân chơi từ nhiều năm qua…

http://www.anhp.vn/VN/TrangChu/TinTuc/VanDeDuLuanQuanTam/2011/6/1/20357/

Lệ Trang

To comment or make friends with this person, you need to Log in or Sign up