Language:
Kỷ nguyên văn minh “thời gian rỗi”
By Xa hoi hoc van hoa September 6, 2013

Trần Ngọc Khánh

Kể từ giữa thế kỷ XX, giới khoa học ở các nước phương Tây nói nhiều về văn minh thời gian rỗi, coi đó là kỷ nguyên phát triển mới của thời đại. Thời gian rỗi được quan niệm là các hoạt động mang lại ý nghĩa cho đời sống con người. Đời sống càng phát triển, con người càng có nhiều thời gian rỗi, và ngược lại.

Trong các xã hội truyền thống, chỉ có thời gian sản xuất mới được coi là có ích. Thời gian còn lại dành để nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động. Sản xuất là mục đích duy nhất của lao động. Lao động là điều kiện để làm nên giá trị đời sống. Nhàn rỗi bị coi là chây lười. Thời gian xã hội là thời gian lao động và thời gian nghỉ ngơi. Song nghỉ ngơi lại là đặc quyền của số ít thành phần tinh hoa. Còn lại đối với đa số người lao động, nghỉ ngơi dù ở khía cạnh tích cực đều là vô giá trị về mặt xã hội.

Triết học Aristote đề cao con người “cao quý”. Họ được tự do hoạt động, không miễn cưỡng hoặc bắt buộc. Lao động bị coi là hoạt động của loài vật hoặc của các đẳng cấp, tầng lớp có điều kiện sống thấp kém hơn.

Tuy nhiên, kể từ kỷ nguyên văn minh nông nghiệp đến văn minh công nghiệp, con người buộc phải lao động để sinh tồn. Lao động làm nên giá trị xã hội của con người, trở thành mục đích sống. Ngoài công việc lao động, thời gian rỗi là thời gian sinh học dành cho việc ăn, ngủ, nghỉ nhằm tái tạo sức lao động.

Người ta quen hình dung thời gian rỗi là thời gian ngoài giờ làm việc. Làm việc là điều đương nhiên để tồn tại và để sống, lâu dần trở thành nghĩa vụ bắt buộc, lấy mất một quãng thời gian sống quan trọng của đời người. Con người chỉ được quyền nghỉ ngơi khi sức mòn gối mỏi hoặc đến khi nhắm mắt xuôi tay?!

* Kể từ thời Trung đại cho đến thế kỷ XVII, một ngày làm việc của con người được tính kể từ khi mặt trời mọc cho đến lúc mặt trời lặn, tức là không dưới 12 giờ, và kéo dài đến 16 giờ sau khi phát minh ra đèn điện thắp sáng các công xưởng chạy bằng gaz. Thời gian rỗi thời Trung đại chủ yếu là các ngày nghỉ lễ tôn giáo. Mỗi năm có ít nhất 85 ngày lễ tôn vinh các vị thánh và các sự kiện tôn giáo. Người lao động buộc phải nghỉ làm mà không được trả lương.

Thế kỷ XVIII bắt đầu nền văn minh công nghiệp than và sắt, con người lao động khổ sai không khác nô lệ. Đến thế kỷ XIX, việc tổ chức sản xuất quy mô lớn đã mở rộng tối đa các hình thức bóc lột lao động một cách vô nhân đạo nhất. Chủ nghĩa tư bản đồng hóa con người với lao động và coi lao động là hàng hóa.

Con người trở thành công cụ để sản xuất. Họ phải vắt kiệt sức để lao động. Điều kiện sống và các giá trị nhân văn bị coi nhẹ. Từ đó xuất hiện các phong trào đấu tranh của công nhân và sự ra đời của chủ nghĩa mác-xít. Đó cũng là thời điểm báo hiệu một kỷ nguyên mới của nền văn minh “thời gian rỗi”. Theo Roger Sue [1982], “Rõ ràng là trong tâm tưởng, nền văn minh thời gian rỗi sẽ tiếp nối một cách tự nhiên nền văn minh việc làm”[1].

Cuối thế kỷ XIX, ngay trong thời đại công nghiệp hóa đạt đỉnh điểm ở châu Âu, Paul Lafargue (1842-1911), con rể Karl Marx, xuất bản công trình Quyền Làm biếng (6-1889)[2]: “Ôi làm biếng, người mẹ cao quý của nghệ thuật và đức hạnh, xin xoa dịu những nỗi lo toan của nhân loại”. Lafargue coi lao động là một giáo điều tệ hại: “Lao động trong xã hội tư bản là nguyên nhân làm thoái hóa tri thức và làm biến dạng tổ chức”; “Mọi sự khốn cùng của cá nhân con người và xã hội đều phát sinh từ lao động miệt mài”[3].

Đầu thế kỷ XX, thời gian rỗi được thừa nhận, làm đảo lộn toàn bộ đời sống xã hội. Năm 1936 lần đầu tiên ở Pháp có Luật ngày nghỉ được trả lương; quy định chế độ làm việc 40 giờ/tuần (còn gọi là tuần có hai ngày chủ nhật)[4]. Thời gian rỗi thực sự có ý nghĩa về mặt xã hội, đô thị bước vào thời kỳ phát triển theo chiều sâu, chất lượng sống được chú trọng. Kỷ nguyên văn minh thời gian rỗi bắt đầu.

Văn minh “thời gian rỗi” ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội do sự phát triển ngày càng rộng rãi các ngành dịch vụ, công nghiệp giải trí, truyền thông, du lịch, ẩm thực, TDTT hoặc nhờ cải thiện các chế độ học tập, hưu trí, nghỉ dưỡng, v.v. Chỉ trong vài thập niên, thời gian rỗi trở thành một hiện tượng xã hội. Mỗi người có chiến lược của riêng mình đối với gia đình, xã hội; có nghệ thuật sống theo nhịp thời gian rỗi.

Giải trí trở thành sản phẩm tiêu dùng thời gian rỗi, là ngành công nghiệp phát triển thịnh vượng nhất kể từ cuối thế kỷ XX. Theo Richard Hoggart: “Cuối những năm 1930, sản xuất và tiêu dùng các tài sản giải trí tăng cao hơn tỷ lệ gia tăng dân số. Thị trường giải trí xuất hiện và phát triển mạnh mẽ, do các tiến bộ về kỹ thuật cho phép sản xuất rộng rãi các tài sản giải trí, do mức sống tăng lên nên có nhiều người tiêu dùng hơn được hưởng thụ các tài sản này. Tiêu dùng văn hóa tăng rộng rãi còn là do các nhà sản xuất các trò chơi giải trí tổ chức thúc đẩy nhu cầu của các tầng lớp công chúng”[5].

Kỷ nguyên văn minh thời gian rỗi làm đảo lộn các nề nếp sinh hoạt và lối sống văn hóa truyền thống. Vòng đời nhân tạo gồm có ba thời kỳ: giáo dục, lao động nghề nghiệp và hưu trí. Lao động chiếm khoảng 10-15% thời gian của đời sống cá nhân[6], từ đó kéo dài thời gian giáo dục, dưới các hình thức đào tạo thường xuyên, liên tục[7], làm cho thời gian rỗi chiếm địa vị thống trị trong thời gian xã hội, nhất là ở môi trường đô thị.

Thời gian xã hội được xác định lại là thời gian lao động, thời gian có ích và thời gian rỗi. Thời gian có ích có giá trị sản xuất lớn, đặt ra yêu cầu về quản lý thời gian rỗi, tổ chức lại xã hội; về các cách thức, hình thức sử dụng thời gian rỗi; về giá trị của các hoạt động này trên bình diện tiến hóa xã hội và xây dựng các thiết chế.

Văn hóa thời gian rỗi là bộ phận không tách rời các chính sách phát triển hoạt động văn hóa và quy hoạch đô thị. Có bốn loại thời gian rỗi: cuối ngày, cuối tuần, cuối năm và cuối đời làm việc, với các cách thức sử dụng và mức độ có ích khác nhau[8].

Nhờ có internet và điện thoại di động, nơi ở và nơi làm việc ở đô thị không còn bị phân lập. Do giảm thời gian lao động và tăng trưởng mức sống, nhu cầu về các dịch vụ và các tài sản trang thiết bị văn hóa nhằm đáp ứng các hoạt động trong thời gian rỗi, theo các điều kiện tuổi tác, giới tính, nhà ở, nghề nghiệp của các tầng lớp trong xã hội ngày càng tăng. Thanh niên là đối tượng tiêu dùng tài sản văn hóa nhiều nhất. Ngoài thời gian học tập và lao động, họ đến các sân chơi, nhà hát, rạp chiếu bóng, sàn diễn, sân vận động, công viên… Họ tụ họp ở các quán cà phê, quán nhậu hoặc ở các trung tâm thanh niên, trung tâm xã hội, nơi thực hành các kỹ năng, tổ chức các loại hình hoạt động đa năng, phù hợp các nhu cầu và sở thích của họ.

Thời gian rỗi làm phát triển mạnh mẽ các nhu cầu thư giãn trí thức (đọc sách, bàn luận), nghệ thuật (xem biểu diễn, truyền thông đa phương tiện), thực hành (làm vườn, công việc ở nhà), thể chất (đi bộ, thể thao…) và các quan hệ giao tiếp xã hội.

** Theo định nghĩa “thời gian rỗi” của từ điển La Châtre [1857]: “Con người tồn tại không hề có thời gian rỗi... Họ buộc phải lao động không ngừng để được có hạnh phúc. Con người chỉ có quyền nghỉ ngơi khi lâm chung. Nhưng đến nay, con người vẫn cứ lo làm tròn nghĩa vụ tồn tại của mình, mà chưa bao giờ có lúc nào đó cho mình được quyền làm biếng”[9].

Năm 1739, trong một công trình của tác giả vô danh có tựa đề Diễn từ về cách thư giãn, người ta phân biệt thư giãn (loisir) khác với nhàn rỗi (oisiveté). Theo đó, thư giãn chỉ có ích khi biết sử dụng đem lại lợi ích cho con người, gồm bốn hoạt động: thư giãn khiến con người hạnh phúc, thư giãn giúp con người tự nhận biết mình, chấn chỉnh lại mình và làm cho mình trở nên hoàn thiện[10].

Theo định nghĩa Bách khoa toàn thư [1751], thời gian rỗi là thời gian trống mà chúng ta từ bỏ các nghĩa vụ, để có thể sử dụng nó một cách thú vị và lịch lãm. Nếu là người có giáo dục, có sở thích mạnh mẽ về khả năng của mình thì các công việc trong thời gian rỗi sẽ là một phần đời mang đến vinh hạnh cho chúng ta sau khi chết, khiến chúng ta nhớ tưởng lại một cách khuây khỏa nhất khi từ bỏ cuộc sống: đó là một trong các hoạt động tốt đẹp chúng ta làm vì sở thích và cảm nhận, đó không phải là gì khác hơn lòng từ tâm của chúng ta[11].

Còn theo Wikipedia, thư giãn (loisir, leisure) là một hoạt động được sắp xếp để sử dụng trong thời gian rỗi. Từ nguyên thư giãn có gốc tiếng Latinh là “được phép” (licere). Đầu thế kỷ XII, thư giãn gắn với khái niệm tích cực hơn là “tự do”, “nhàn hạ”; và đến đầu thế kỷ XVIII, thư giãn mới có ý nghĩa hoạt động “giải trí” (distraction).

Trong từ nguyên tiếng Hy Lạp, thư giãn là “skholè”, đồng nghĩa với từ schola trong tiếng Latinh và école trong tiếng Pháp, có nghĩa là trường học; và trong tiếng Latinh, “otium” dùng để chỉ thời gian rỗi, theo nghĩa tiếng Pháp là nhàn rỗi (oisif), phản nghĩa với từ “negotium” (non-loisir), hình thành trong tiếng Pháp từ cổ négoce, chỉ hoạt động buôn bán, thương mại. Như vậy, về ngữ nghĩa, thư giãn còn gắn với trường học và thời gian rỗi là các hoạt động ngoài kinh doanh.

Như vậy, thời gian rỗi khác với thời gian được sắp xếp, cũng không hẳn là khoảng thời gian nghỉ ngơi dành cho việc ăn, ngủ, nghỉ hoặc để tái tạo sức lao động. Đó là thời gian mà con người không bị ràng buộc với các lo toan hàng ngày (làm việc, nội trợ, dạy dỗ con cái...) hoặc bị lệ thuộc như đi lại…

Theo nhà xã hội học nổi tiếng người Pháp, Joffre Dumazedier (1915-2002), trong công trình Về nền văn minh thời gian rỗi [1964] định nghĩa: “Thời gian rỗi là một tập hợp các công việc cá nhân theo đuổi mà họ không cảm thấy bị gò bó, sau khi thoát ra khỏi các nghĩa vụ nghề nghiệp, gia đình và xã hội. Đó là thời gian dùng để nghỉ ngơi, phát triển thông tin hoặc rèn luyện không vụ lợi, tham gia tự nguyện xã hội hoặc phát triển khả năng tự do sáng tạo của mình”[12]. Các chủ đề chính của thời gian rỗi ở thế kỷ XVIII là hạnh phúc, nhận biết bản thân và chấn chỉnh lại mình; đến thế kỷ XX, theo Dumazedier, thời gian rỗi có ba chức năng chính: nghỉ ngơi (délassement), vui chơi giải trí (divertissement) và phát triển.

*** Đầu thế kỷ XX, người lao động bắt đầu nói đến con số ba lần tám: tám giờ làm việc, tám giờ nghỉ ngơi và tám giờ tự do. Sự kiện giảm giờ làm việc trong ngày được phong trào công nhân chào đón như là một trong những thắng lợi lớn, làm thay đổi hoàn toàn các điều kiện làm việc của người lao động. Ngày nghỉ của người lao động được trả lương có nghĩa là xã hội thừa nhận người lao động được quyền có “thời gian rỗi”.

Kể từ đó, thời gian sống không chỉ phân thành hai giai đoạn: đi học để tồn tại, và tiếp đó là sống hoàn toàn bằng lao động; mà đời sống người lao động gồm: thời gian học hành, thời gian làm việc và thời gian giải trí.

Dù có nhiều nguồn, nhiều kênh thông tin và giải trí, song truyền hình vẫn là phương tiện giải trí trung tâm ở gia đình [Jankowski và Fuchs, 1995][13], đặc biệt là thời gian rỗi buổi tối sau giờ làm việc. Sự xuất hiện của truyền hình đã làm giảm đáng kể khán giả điện ảnh, vì đặc thù của điện ảnh chủ yếu là khán phòng, trong khi truyền hình là màn ảnh. Tuy nhiên, khi đi xem chiếu phim có thể cũng giống như khi đi xem biểu diễn, vì vấn đề nằm ở hiện tượng “đi”, không giống như khi ở nhà xem qua băng DVD. Đó là chưa kể việc đi thành nhóm đối với giới trẻ rất quan trọng, vì nó mang lại cảm giác được giải phóng[14]…

Việc “giải phóng” thời gian được xếp đặt, ngoài việc tăng thêm thời gian thư giãn, còn giải phóng cả không gian thư giãn. Người ta tính được rằng, nếu giảm thời gian làm việc trong tuần thì chỉ cần tạo ra hoặc dự phòng một không gian xanh dành cho các trò chơi thư giãn ngoài trời, xung quanh các thành thị… Trong khi các đợt nghỉ hè dài ngày hơn những ngày nghỉ cuối tuần đòi hỏi phải phát triển các công viên tự nhiên và khu bảo tồn tự nhiên[15]… Chính các hoạt động thư giãn đã góp phần hình thành nên lối sống mới theo kiểu Pháp. Họ chuẩn bị tích cực suốt 11 tháng cho chuyến đi nghỉ hè của mình. Đó cũng là đề tài ưa thích khi họ trò chuyện...

TNK, 9/2012

[1] Roger SUE, Vers une société du temps libre? PUF, 1982, tr.10.

[2] Paul Lafargue, Le Droit à la Paresse, Petite Collection Maspero, Paris, 1969.

[3] Paul Lafargue, sđd., tr.121. Dẫn theo Bénigno Cacérès, Loisirs et Travail, du moyen âge à nos jours,

E1d. du Seuil, 1973, tr.165.

[4] Đến năm 1981, có thêm các ngày nghỉ tuần thứ 5 và kể từ năm 1997 tuần làm việc chỉ còn 35 giờ.

[5] Richard Hoggart, “Nghiên cứu lối sống của các giai cấp quần chúng ở Anh”, trong Văn hóa người nghèo, Éd. de Minuit, Paris, 1971, tr.386.

[6] Theo Jean Viard, thời gian lao động ngày nay chỉ chiếm 63.000 giờ trên tổng số 700.000 đến 800.000 giờ của đời sống cá nhân. Năm 1999, thời gian không làm việc ở các nước phát triển chiếm khoảng 82-89% quỹ thời gian sử dụng trong đời sống (ở Pháp là 88%, sau Ý và Hà Lan).

[7] Luật 16/7/1971 ở Pháp dự kiến đào tạo nghề nghiệp liên tục, từ đó khai sinh khái niệm giáo dục thường xuyên.

[8] Theo một kết quả thăm dò ở Pháp, nếu thời gian lao động trung bình giảm xuống dưới 30 giờ, thì 53% người Pháp (61% từ 25-34 tuổi) cho rằng sẽ dành thời gian cho sinh hoạt gia đình, xem tivi (trung bình 18g một tuần) và các hoạt động thiết thực khác như sửa chữa nhà ở, làm vườn…

[9] Bénigno Cacérès, sđd., tr.155.

[10] Discours sur l’emploi du loisir, chez Yvon Fils, Paris, 1739, tr.40. Dẫn theo Bénigno Cacérès, sđd., tr.121.

[11] Bénigno Cacérès, sđd., tr.101.

[12] Joffre Dumazedier, Vers une civilisation du loisir? (Về nền văn minh thời gian rỗi?), Éd. du Seuil, Paris, 1964, tr.23. Dẫn theo Bénigno Cacérès, sđd., tr.122.

[13] Theo Denis Olivennes, “Où va l’économie de l’audiovisuel?” (“Kinh tế nghe-nhìn đi về đâu?”), Esprit – La société des écrans et la télévision, 3-4/2003, tr.67.

[14] David Kessler, “La politique du Centre National du Cinéma, une stratégie adaptée à la société des écrans?” (“Chính sách của Trung tâm điện ảnh quốc gia, chiến lược thích ứng với xã hội màn hình?”), Esprit, La société des écrans et la télévision, 3-4/2003, tr.96.

[15] Bénigno Cacérès, sđd., tr.208-212.

Nguồn:

http://vanhoahoc.hcmussh.edu.vn/3cms/upload/khoavanhoahoc/File/van minh Thoi gian roi.htm
To comment or make friends with this person, you need to Log in or Sign up