Language:
Hưởng thụ văn hóa: Chênh lệch giữa nông thôn – thành thị
By Xa hoi hoc van hoa January 15, 2013

Một thực tế hiển nhiên mà xưa nay ai cũng biết và thừa nhận: dân cư ở nông thôn, vùng sâu vùng xa, chịu nhiều thiệt thòi - kém cỏi - lạc hậu nhiều lần hơn dân cư sống ở thị thành. Sự thật đó được khái quát vào trong một thuật ngữ mang nặng tính nhân đạo là NGHÈO thậm chí là ĐÓI, thế rồi người ta nêu ra khẩu hiệu mang nặng tính kinh tế là XOÁ ĐÓI GIẢM NGHÈO. Những tiêu chí NGHÈO – ĐÓI được quy ra tiền, và tưởng rằng có được tiền (bằng mọi cách) là có thể xoá và giảm ĐÓI – NGHÈO một cách dễ dàng!

Sự nghiệp xoá đói giảm nghèo ở nhiều vùng quê như những cuộc đánh vật theo chu kỳ, nếu được mùa thì NGHÈO – ĐÓI tự nhiên bỏ cuộc, không may thì lại NGHÈO – ĐÓI ở đâu đó ê mặt ra nhạo báng một cách bỉ ổi. Từ xưa dân gian đã tổng kết: Ăn mày là ai? Ăn mày là ta. Đói cơm rách áo thì ra ăn mày! Những biện pháp XOÁ ĐÓI - GIẢM NGHÈO thực hiện lâu nay trên đại thể mang nặng tính tình huống – tình thế và có nơi có kết quả; nhiều nơi kết quả không bền vững, cũng có nơi phản tác dụng, mang tính may rủi nhiều hơn. Nói chung, khu vực nông thôn và dân cư nông nghiệp đã và đang trải qua những cuộc thử nghiệm XOÁ ĐÓI GIẢM NGHÈO một cách bấp bênh. Hiện nay vẫn chưa có được những tổng kết mang tính chiến lược cho sự phát triển của khu vực nông thôn và nông dân nước ta.

Đó là nhìn nhận từ góc độ kinh tế - xã hội đối với cư dân nông thôn, nhưng nhìn từ góc độ VĂN HOÁ, chúng ta lại thấy một bức tranh khác về nông nghiệp – nông thôn, đó là một bức tranh phản cảm, khi được soi rọi vào đó sẽ thấy các mảng màu VĂN HÓA không mấy lạc quan và sáng sủa. Sự thực VĂN HÓA của dân cư nông thôn còn nghiêm trọng và nặng nề hơn là cái ĐÓI và cái NGHÈO. ĐÓI và NGHÈO rất dễ thay đổi, nhưng bộ mặt VĂN HÓA không thể làm sáng sủa hơn bằng tiền và thậm chí nhiều tiền hơn cũng vậy.

Vậy VĂN HÓA của dân cư nông thôn cho đến nay là như thế nào? Nói đến VĂN HÓA của dân cư nông thôn, phải nói đến hai mặt: một là sáng tạo VĂN HÓA hai là hưởng thụ VĂN HOÁ.

Lao động sáng tạo các giá trị văn hóa

Xem xét một cách đầy đủ và toàn diện, cộng đồng dân cư nông thôn không thua kém gì khối dân cư đô thị trong lao động sáng tạo các giá trị văn hoá. Ở một mặt nào đó thì sáng tạo văn hóa của cư dân nông thôn có giá trị vĩnh hằng và truyền thống, duy trì sự sinh tồn bền vững cho đất nước suốt mọi chặng đường lịch sử thăng trầm của dân tộc ta.

Hằng năm có hàng chục vạn học sinh vào đại học – cao đẳng đều là con em nông dân, các em không chỉ được ăn nuôi học suốt bậc học phổ thông, mà 4 - 5 năm học đại học vẫn còn phải được bú sữa từ gia đình cha mẹ ở làng quê, sẽ trở thành một lực lượng lao động đông đảo các nhà khoa học, các công nhân kỹ thuật có tay nghề cao và sẽ là những nhà quản lý tài năng của đất nước trong tương lai gần. Đó là những sáng tạo văn hóa tinh thần vĩ đại nhất cho đất nước từ cộng đồng nông dân khắp mọi miền đất nước.

Nước ta trải qua vô vàn cuộc chiến triền miên hầu hết trai làng ra trận là những giá trị văn hóa tinh thần – văn hóa ứng xử của trai tráng nông dân – nông thôn như là mẫu mực, như là niềm tự hào của cả dân tộc.

Mức độ hưởng thụ văn hoá

Vấn đề không phải là nhìn nhận dân cư nông thôn thiếu cái gì (thường là về mặt vật chất) trong cuộc sống hàng ngày, rồi có kế hoạch kiểu như “bố thí” cho họ được phần nào đó, thế là vội vã lên thành tích đã giải quyết được cho nông dân như kiểu Xoá Đói Giảm Nghèo lâu nay. Ở đây chúng ta phải nhìn một cách tổng thể mức độ hưởng thụ văn hóa của nông dân đã đạt được đến đâu trong thang bậc hưởng thụ văn hóa của toàn xã hội, lấy mức chuẩn của dân cư thành thị bậc trung để làm mức phải đạt được trong một lộ trình cho phép nào đó. Như vậy, dân cư nông thôn không chỉ được hưởng nhiều hơn các giá trị kinh tế vật chất thuần tuý, mà phải được hưởng thụ nhiều hơn các giá trị văn hóa (vật chất - tinh thần - ứng xử) mà chính họ và toàn thể xã hội đã sáng tạo ra. Nên chăng thay khẩu hiệu: Xoá Đói Giảm Nghèo bằng khẩu hiệu: Nâng cao không ngừng mức hưởng thụ văn hóa cho dân cư nông thôn?

altCông cuộc Xóa Đói Giảm Nghèo cho dân cư nông thôn, không hoàn toàn đồng nghĩa với nâng cao trình độ hưởng thụ văn hóa cho họ, mà nhiều khi các giá trị vật chất đó lại là nguyên nhân làm tan nát các tổ ấm truyền thống gia đình và các cộng đồng dân cư nông thôn đã hàng ngàn đời nay “tối lửa tắt đèn” có nhau như ruột thịt. Chúng ta chứng kiến quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa một cách ồ ạt, đã tấn công vào hơn ngàn điểm dân cư nông thôn bao quanh các Thành phố - Thị xã - Thị trấn – Khu chế xuất – Khu công nghiệp, đã cướp đi đất đai sinh sống của họ, nông dân không được chuyển đổi tham gia vào môi trường làm ăn mới, đổi lại họ được đền bù một khối lượng vật chất nhiều khi không tương xứng, họ có tiền làm nhà, mua sắm các thiết bị hiện đại để hưởng thụ một cách tuỳ hứng, con em họ sống nhờ vào tiền đền bù để mua về nhiều tệ nạn xã hội một cách nhanh chóng. Trong ngôi nhà mới khang trang thay cho ngôi nhà tranh từng là tổ ấm của nhiều thế hệ nay trở nên lạnh lẽo hoang vắng bởi con em họ nghiện ngập, tù đầy. Được ở nhà cao sang nhưng đời sống tinh thần và tai tiếng của người đời đeo đẳng suốt cả cuộc đời người cho đến khi nhắm mắt xuôi tay. Như thế đủ biết, tiền bạc - của cải rất cần cho cuộc sống của con người, nhưng sự nô lệ vào tiền bạc và của cải không phải thước đo để đánh giá trình độ thụ hưởng văn hóa dù là dân cư nông thôn hay dân cư thị thành!

Sự thụ hưởng văn hóa của dân cư nông thôn không chỉ là ngôi nhà để ở, bát cơm để ăn no từng ngày, mà còn rất nhiều thứ khác nữa, đâu đâu cũng thấy những vắng thiếu, những lo âu và toan tính. Quy cho cùng đó vẫn là việc họ không được thụ hưởng văn hóa một cách công bằng như dân cư thị thành, so với những sáng tạo các giá trị văn hóa từ cộng đồng dân cư này.

Ta lấy việc học hành của con em nông dân nông thôn làm ví dụ; khi nói đến lịch đại, chẳng hạn lịch sử của 65 năm trước CHXHCN Việt Nam đã có hàng chục thế hệ con em nông dân được bố mẹ nuôi ăn học thành tài, đảm đương một cách trọn vẹn và xuất sắc cho công cuộc giữ nước, xây dựng đất nước và đội ngũ đông đảo này đã sáng tạo ra một khối lượng giá trị văn hóa đồ sộ cho đất nước. Tất cả những của cải đó được phân phối không công bằng cho nông thôn; như hệ thống hình học, hệ thống nhà trường cấp huyện – xã cho đến nay vẫn là mong ước cháy bỏng của dân cư ruộng đồng. Người nông dân nói riêng và cộng đồng dân cư nông nghiệp nói chung có quyền đòi được phân phối lại giá trị mà con em họ đã làm ra cho xã hội, cũng có nghĩa là con em họ phải đền ơn nuôi dưỡng ông bà cha mẹ thông qua những biện pháp tích cực nâng cao đời sống văn hóa cho dân cư nông thôn, do nhà nước thực hiện.

Sự hưởng thụ những giá trị văn hóa được gọi là những tiến bộ của khoa học kỹ thuật của cư dân nông nghiệp rõ ràng là thấp kém hơn so với dân cư thị thành, đã thế các mặt trái của các phương tiện hiện đại đó tìm được thị trường béo bở ở dân cư nông thôn chủ yếu là ở lứa tuổi vị thành niên và thanh niên, trung niên.

Có thể lấy hàng chục – hàng trăm những minh chứng để nói lên rằng dân cư nông nghiệp – nông thôn không những không được hưởng thụ một cách quan phương – công bằng mọi giá trị văn hóa do họ và cộng đồng sáng tạo ra, họ thua thiệt đủ thứ, và hơn thế nữa họ lại bị sức ép từ phía các giá trị văn hóa được sáng tạo ra bởi khoa học và công nghệ hiện đại. Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn trước mắt và lâu dài không chỉ là việc cư dân nông thôn phải làm gì, nông nghiệp phát triển đến đâu, mà còn là việc nâng cao không ngừng trình độ thụ hưởng văn hóa một cách đầy đủ - công bằng - tiện lợi cho dân cư nông thôn, với những biện pháp và lộ trình có tính khẩu hiệu xây dựng xã hội nông thôn Công bằng- Dân chủ - Văn Minh./.

Bùi Thiết

http://www.unescovietnam.vn/vnf/index.php?option=com_content&view=article&id=502:hng-th-vn-hoa-chenh-lch-gia-nong-thon--thanh-th&catid=114:tin-vn-hoa&Itemid=329

To comment or make friends with this person, you need to Log in or Sign up