Language:
Tìm hiểu về các tổ chức phi chính phủ (NGOs)
By xahoihoc January 18, 2011

Ngày nay, ở Việt Nam có khoảng trên dưới 1000 tổ chức phi chính phủ (Non-Governmental Organizations, gọi tắt là NGOs) nước ngoài hoạt động trên nhiều lĩnh vực mang lại những sự giúp đỡ đổi thay lớn cho cộng đồng và xã hội. Nhưng cụm từ Tổ chức phi chính phủ (NGOs) thì không phải mấy ai đã hiểu, đôi khi vẫn còn xa lạ với nhiều người. Trong phạm vi bài viết nhỏ, tác giả xin tổng hợp thông tin cơ bản để giới thiệu đến bạn đọc quan tâm.

Thế nào là một NGOs?

Thực tế, NGOs đã tồn tại từ rất lâu trên thế giới dưới nhiều dạng khác nhau (Thế giới có từ hàng trăm năm. Ở Việt Nam thì đang dần định hình và phát triển). Nguồn gốc ban đầu của NGOs là những nhóm, tổ chức hoạt động tình nguyện, từ thiện, nhân đạo nhỏ. Nguyên tắc hoạt động của các tổ chức này là cứu trợ nhân đạo với những nạn nhân trong thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh, đói nghèo…(những người gặp khó khăn hoạn nan - bất hạnh) không phân biệt đảng phái chính trị và khu vực địa lý.

Ngày nay, quan điểm về NGOs vẫn không thống nhất theo một định nghĩa nhất định nào mà nó được nhận thức trên từng quốc gia riêng biệt. Chúng ta sẽ xem xét vài quan điểm dưới đây để hiểu hơn về NGOs trên thế giới.

- Một số nước quan niệm NGOs là các tổ chức không phải là của Chính phủ.

- Ở một số nước khác, luật pháp lại quy định NGOs là các chủ thể có tư cách pháp nhân, không thuộc Chính phủ như các tổ chức tư nhân hay công cộng hoặc các Quỹ, các Viện…Các NGOs là các tổ chức phi lợi nhuận, được lập ra hợp pháp và có tư cách pháp nhân độc lập theo quy định của pháp luật của nước sở tại.

- Còn với Liên hợp Quốc (LHQ) thì định nghĩ NGOs là bất kỷ tổ chức quốc tế nào được lập ra không phải do một thoả thuận liên chính phủ quốc tế. Nhưng NGOs có thể bao gồm các tổ chức thành viên do chính phủ cử ra với điều kiện thành viên đó không được can thiệp vào quyền tự do bày tỏ ý kiến của tổ chức đó.

Dù rằng, mỗi nơi vẫn còn quan điểm khác nhau về khái niệm hay định nghĩa về NGOs nhưng với một NGOs bất kỳ đều có thể nhận thấy những điểm cơ bản : thành lập tự nguyện, hợp pháp, hoạt động phi lợi nhuận và không nằm trong bộ máy hành chính nhà nước.

Có những loại hình NGOs nào trên thế giới?

Để mà xét cụ thể thì rất khó, ở đây ta xem xét trên phạm vi sáng lập hoạt động. Căn cứ vào đó, NGOs trên thế giới chia làm ba loại hình như sau:

1. NGOs mang tính chất quốc gia : Các tổ chức phi chính phủ mang tính chất quốc gia (National Non-Government Organizations, gọi tắt là NNGOs) là các tổ chức có các thành viên sáng lập trong cùng một quốc gia (cùng quốc tịch). Phạm vi hoạt động thường là trong một nước, phục vụ cho từng cộng đồng. Loại hình này được hình thành rất sớm trên thế giới.

Ví dụ ở VN: BCC, CDG, CSDP, CIFFEN, RDSC, QHF, CEPHAD, CISDOMA, S-CODE…

2. NGOs mang tính chất quốc tế : Các tổ chức NGOs mang tính chất quốc tế (International Non-Government Organizations, gọi tắt là INGOs) là các tổ chức có các thành viên sáng lập ở nhiều quốc gia khác nhau (mang các quốc tịch khác nhau). Phạm vi hoạt động trên toàn thế giới. Tuy nhiên, số lượng của các INGOs ít hơn rất nhiều so với NNGOs. Và đặc biệt INGOs phải tuân thủ pháp luật của nước nhận sự tài trợ, giúp đỡ (nước sở tại INGOs đang hoạt động).

Ví dụ: UNDP, CARITAS, SAVE CHILD, GLOBALVILAGE Foundation, WINGs

3. Tổ chức NGOs mang tính chất chính phủ : NGOs loại này do Chính phủ lập ra hoặc nguồn ngân sách hoạt động phụ thuộc hoàn toàn vào Chính phủ (Government Non-Government Organizations, gọi tắt là GONGOs).

Ví dụ: DED của Đức, SNV của Hà Lan…

Các NGOs thực hiện việc trợ giúp của mình ra sao?

NGOs thực hiện sự trợ giúp thông qua tài trợ các chương trình, dự án (tài trợ để thực hiện các chương trình/dự án); tài trợ phi dự án ( tài trợ một phần tiền mặt hoặc hiện vật) và tài trợ khẩn cấp trong các trường hợp thiên tai, bão lụt…(yếu tố nguy cấp).

Khác với nguồn viện trợ chính thức (ODA), viện trợ NGO là tài trợ tức viện trợ không hoàn lại, mang tính chất nhân đạo và phát triển, thủ tục nhanh gọn và đơn giản. Quy mô dự án thường không lớn (khoảng từ vài ngàn đến vài trăm ngàn USD) và thời gian thực hiện dự án ngắn (vài tháng đế 1,2 năm). Nhưng nguồn NGOs lại đáp ứng rất kịp thời, sát thực và phù hợp với khả năng quản lý, phát triển của nơi nhận tài trợ. Hiện nay, nhiều nước phát triển đã dành một phần viện trợ ODA cho các nước đang phát triển thông qua NGOs. Số tiền viện trợ thông qua NGOs khá lớn, ngày một tăng và trên thực tế đã hỗ trợ đáng kể cho các chương trình kinh tế-xã hội của các nước đang phát triển. NGOs còn nhận sự hỗ trợ tài chính từ các tổ chức tôn giáo, từ các quỹ từ thiện tư nhân, từ quyên góp với nhiều hình thức khác nhau.

Trên đây là những tổng hợp cơ bản để quý bạn đọc nắm bắt sơ qua về NGOs và những gì liên quan gần nhất với hoạt động của nó. Loạt bài sau sẽ cố gắng đi sâu hơn vào nhiều mảng và tính chất, đặc thù của các NGOs hơn.

Nguồn:

To comment or make friends with this person, you need to Log in or Sign up